Kinh nghiệm nuôi kiến vàng trên vườn cây ăn quả


Kinh nghiệm nuôi kiến vàng trên vườn cây ăn quả ở ĐBSCL 

để diệt sâu, rầy

Kiến vàng Oecophylla smaragdina

Tổ kiến vàng

Kiến vàng là côn trùng có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, thuộc Họ Kiến (Formicidae), Bộ Cánh màng (Hymenoptera). Trong tự nhiên kiến vàng phân bố rộng trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Là côn trùng làm tổ sống trên cao, ăn tạp và chuyên săn mồi trên tán lá cây trong rừng tự nhiên và trên vườn cây ăn quả.
Từ lâu đời nông dân Việt Nam và nông dân nhiều nứớc trên thế giới đã từng biết nuôi dưỡng kiến vàng trong vườn cây ăn quả, đặc biệt trong vườn cây ăn quả có múi. Từ kinh nghiệm thực tế họ thấy rằng khi thả kiến vàng cây ít bị sâu bọ và quả mọng nước, tốt mã và phẩm chất ngon ngọt hơn.
Trong thực tế kiến vàng bị một đối thủ cùng Họ là loài Kiến hôi (Dolichodorus thoracicus) cạnh tranh lãnh địa và làm cho kiến vàng giảm mật số do cuộc chiến đấu một mất một còn giữa hai loài.
Kiến vàng làm tổ trên cao, làm chủ tầng ngọn, trong khi đó kiến hôi làm tổ dưới đất. Khi quân số kiến vàng cao hơn thì kiến hôi không xâm lấn được, ngược lại khi kiến vàng thất thế, quân số thấp do thiếu nguồn thức ăn thì kiến hôi chiếm cứ đến các tàng cây cao và kiến vàng có thể bị diệt vong.
Kinh nghiệm nông dân cho thấy khi cây có nhiều kiến hôi thì sâu bọ nhiều hơn, quả của cây thường bị chay sượng và có nhiều rầy mềm, rệp dính cùng nấm bồ hóng phát triển mạnh. Điều này được giải thích là do kiến hôi không phải là thiên địch chủ yếu của nhiều loài côn trùng trên cây ăn quả, ngược lại nó là loài côn trùng cộng sinh bảo vệ cho rệp dính và rầy mềm phát triển. Trong quan hệ ký sinh kiến hôi là kẻ chuyên tha ấu trùng rầy mềm và rệp dính từ nơi có lá già đến chổ có lá non hay hoa , quả nhiều dinh dưỡng. Kiến hôi lợi dụng dịch tiết chất đường mật của rệp dính và rầy mềm để sống bằng cách chúng dùng chân cọ quẹt để kích cho bạn cộng sinh tiết ra chất đường mật để chúng liếm hút. Sự cộng sinh này có lợi cho cả hai bên nên trên cây ăn quả có kiến hôi thì kèm theo là có rềy mềm, rệp dính, đồng thời nấm bồ hóng cũng phát triển do cả rầy , rệp và kiến cùng tiết ra chất đường bột dư thừa trong quá trình sinh sống của chúng. Sự cộng sinh giữa kiến hôi với rầy mềm và rệp dính làm cho cây ăn quả mất sức, bộ lá bị tổn hại do mất nhựa và nấm bồ hóng, quả sần sùi và kém phẩm chất. Có thể sếp kiến hôi vào loài gây hại cây trồng, mặt dù chúng không trực tiếp tấn công các bộ phận của cây nhưng chúng là trợ thủ đắc lực tiếp tay cho rệp dính, rầy mềm và nấm bồ hóng là những dịch hại chính trên cây ăn quả.
Ngược lại kiến vàng là loài kiến lớn, là loài thiên địch hữu hiệu đối với nhiều loài côn trùng và nhện hại cây ăn quả. Các nghiên cứu về việc nuôi thả kiến vàng trên vườn cây ăn quả có múi ở ĐBSCL do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ cùng các chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn 1993-2000 cho biết: khi thả kiến vàng trên vườn cam quít, các loài côn trùng gây hại chính như Bọ xít cam (Rhynchocoris humeralis), Sâu bướm phượng (Papilio spp.), Sâu đục vỏ trái (Prays citri), Sâu vẽ bùa (Phylloenistis citrella), Rầy chỏng cánh (Diaphorina citri), Rầy mềm (Toxoptera spp.) và nhiều loài nhện hại cam quít đều giảm đáng kể. Khi thả kiến vàng có thể giảm nhiều lần hoặc không cần phun thuốc trừ côn trùng nhưng năng suất và chất lượng quả đều tăng, mã trái đẹp.Điều này được giải thích là do cây sạch côn trùng , nhện hại cây, nấm bồ hóng và có thể a xít formic do kiến vàng tiết ra có tác dụng kích thích làm cho vỏ quả bóng đẹp.
Kiến vàng cũng có khả năng cộng sinh với rầy mềm nhưng không chuyên tính nên không quan trọng. Trong thực tế không thấy loài này gia tăng như trên cây không có kiến vàng mà chỉ có kiến hôi. Chính kiến vàng ngăn chặn kiến hôi nên sự cộng sinh giữa kiến hôi với rầy mềm, rệp dính cũng giảm nên quả bóng đẹp, không sần sùi, không có nấm bồ hóng phát triển.
Các nghiên cứu thành phần của tổ kiến vàng cho biết mỗi tổ có từ 2.000-8.000 con kiến các loại, trung bình có 4.000-4.500 kiến thợ. Trong các tháng 7-9 mỗi tổ có từ 25-100 kiến chúa và 30-150 kiến đực. Do đó mùa tách đàn tốt nhất trong năm là từ tháng 7-9, các tháng còn lại mỗi tổ thường xuyên chỉ có 1 kiến chúa và 1 kiến đực nên chỉ duy trì quân số trong tổ chứ không thể tách đàn được.
Khi thả kiến vàng nên thả ở những vị trí sao cho kiến chiếm cứ được các phần cao nhất của ngọn cây, từ đó chúng sẽ đánh đuổi kiến hôi về phía dước gốc. Thời gian đầu khi kiến vàng chưa mở được địa bàn kiếm ăn nên phải bổ sung thêm thức ăn động vật như ruột gia súc, cá, chuột...Khi có nhiều thức ăn thì chúng nhân đàn nhanh. Khi mật độ kiến vàng khoảng vài tổ/cây thì không cần phải dùng thuốc hóa học để diệt sâu rầy. Nếu muốn dùng thuốc BVTV khi mật độ sâu rầy cao thì nên phun thuốc vào buổi chiều tối khi kiến đã về tổ. Mật độ kiến vàng sau khi phun thuốc có thể bị giảm nhanh và chúng có thể phục hồi quân số nhanh chóng nếu ta kịp thời cung cấp thức ăn bổ sung cho chúng.
Việc thả kiến vàng trên cây ăn quả sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là một giải pháp IPM trên vườn cây ăn quả được các nhà khoa học trong và ngoài nước khuyến cáo. Nhưng đa số nông dân chưa thấy được vai trò tác dụng của kiến vàng trong bảo vệ vườn cây ăn quả. Có người cho rằng kiến vàng là đối tượng gây trở ngại trong nghề làm vườn nên mạnh tay dùng thuốc hóa học để diệt kiến. Với máy phun áp lực cao hiện nay, nhiều nông dân đã lạm dụng thuốc BVTV phun trên cây ăn quả nhiều lần trong vụ nhất là đối với các vườn cây mới trồng có tán thấp, không những thuốc gây độc hại môi trường mà còn làm chết nhiều thiên địch có ích như kiến vàng và các loài nhện săn mồi. Hậu quả là côn trùng gây hại bộc phát ngày càng mạnh, quả không được an toàn do nhiểm hóa chất BVTV.
Thả nuôi kiến vàng trên vườn cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng là một kinh nghiệm quí báu của ông bà ta để lại và là một biện pháp đấu tranh sinh học có hiệu quả để diệt những loài côn trùng hại cây ăn quả chính yếu. Làm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn chất lượng quả và là một biện pháp sinh học rất cần thiết trong nền nông nghiệp bền vững.

                                                                                      Kỹ sư Hồ Đình Hải