Bệnh do vi khuẩn hại lúa


PHÒNG TRỊ BỆNH DO VI KHUẨN HẠI LÚA

                                                                                                       KS Hồ Đình Hải
                                                                                                (Dự báo viên chính BVTV)
Trong nhiều năm qua bệnh hại lúa do tác nhân vi khuẩn ít được chú ý. Trong thực tế các bệnh do vi khuẩn ngày càng phổ biến và có xu hướng phát triển ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là bệnh cháy bìa lá (Bacterrial blight) và bệnh thối hạt do vi khuẩn (Bacterial grain rot).
Các nghiên cứu của ngành BVTV cho biết ở ĐBSCL có hơn 10 loài vi khuẩn hại lúa thuộc ba nhóm: Xanthomonas, Pseudomonas và Erwinia, trong đó nhóm Pseudomonas có khả năng gây bệnh trên hạt lúa và  góp phần của vi khuẩn gây bệnh lem lép hạt từ 28-32% trong mùa mưa.

I- Đặc điểm tác nhân và triệu chứng

A- Bệnh vi khuẩn thuộc chi Xanthomonas

Vi khuẩn Xanthomonas có tế bào hình gậy ( 0,4-0,7 X 0,7-1,8 mm), nhuộm Gram (-), ưa khí bắt buộc, không sinh bào tử, di chuyển bằng một tiêm mao phân cực. Tế bào đơn độc, khuẩn lạc màu vàng, nhẳn hoặc nhầy. Phản ứng oxidase thường âm hoặc dương tính yếu, phản ứng catalase dương và không hình thành Nitrat. Thường sản sinh đường cao phân tử ngoại bào. Sự sinh sản bị ức chế bởi triphenil-tetrazolium chloside (TTC 0,02% dung dịch nước).
Phần lớn các loài Xanthomonas là vi sinh vật gây bệnh cây, nhiệt độ thích hợp ở 25-30 oC. Xanthomonas xuất hiện trên toàn thế giới và tấn công trên nhiều loài cây trồng ở mức độ khác nhau. Các triệu chứng điển hình gồm vết bệnh trên lá, thân và quả, gây héo rũ tế bào và sủng nước.
A-1-Bệnh cháy bìa lá hay bạc lá lúa ( Bacterial blight):
Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. oryzae (Ishiyami, Dye) gây ra. Vi khuẩn này có nhiều chủng khác nhau và khả năng mẩn cảm của nhiều giống cũng khác nhau.
Vết bệnh phát triển ở hai bìa lá, hướng lan từ chóp lá xuống. Chổ bị bệnh thường trở nên trắng mờ, trong vết bệnh là dịch vi khuẩn thường nhỏ giọt ra ngoài vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm, sau đó làm cho lá khô, mất khả năng quang hợp. Rìa vết bệnh thường có đường gợn sóng.
Bệnh có thể phát sinh trên cây lúa ở tuổi mạ, nhưng chủ yếu gây hại cây lúa ở tuổi thuần thục, hại nặng vào thời kỳ cây lúa đứng cái, làm đòng và trổ bông. Bệnh xâm nhập vào cây qua khí khổng, qua vết thương trên lá do mưa, bão và qua vết thương trên bẹ lá và rể lúa do vết chích của rầy nâu hoặc tuyến trùng.
Vi khuẩn có thể xâm nhập qua đường rể làm nghẽn mạch dẩn nhựa, nhưng thường khu trú tập trung và tấn công trên lá. Khi độ ẩm không khí cao và vào mùa mưa bão bệnh rất nặng.
Các nghiên cứu nước ngoài cho biết vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá không phát triển được trong đất do dể bị nhiểm phage, có thể sống trong nước 15-38 ngày (Shingh-1971) và có thể tồn tại trong hạt giống 7-8 tháng và trong rơm rạ 3-4 tháng (Reddy-1972). Trong môi trường đất và nước và khi hạt giống đang ngâm ủ vi khuẩn bị nhiểm bacteriophage và giảm mật số nhanh chóng.


Triệu chứng bệnh Cháy bìa lá lúa
A-2- Bệnh sọc trong (Bacteria leaf streak)
Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. oryzicola Fang, Ren, Chen , (Chu and Wu) Dey gây ra. Loài vi khuẩn này gần gũi với loài gây bệnh cháy bìa lá và nhiều loài gây bệnh trên cây trồng khác.
Bệnh chỉ gây hại trên phiến lá, đầu tiên vết bệnh là những vệt nhỏ trong suốt nằm giữa các gân lá, sau đó vết bệnh lớn dần và chuyển sang màu vàng nâu. Giống lúa mẩn cảm có thể bị cháy khô hoàn toàn. Bệnh này truyền qua hạt giống.
Bệnh lây lan qua khí khổng hoặc vết thương trên lá hoặc vết thương trên các bộ phận ngập nước. Vi khuẩn có thể tồn tại khá lâu trong nước nhưng trong đất chúng dể bị nhiểm phage.

B- Bệnh vi khuẩn hại lúa thuộc chi Pseudomonas

Vi khuẩn Pseudomonas có thể sống hình gậy (0,5-1,0 X 1,5-5,0 mm), nhuộm Gram (-), ưa khí, không hình thành bào tử, di chuyển bằng 1-7 tiêm mao phân cực, tế bào đơn hoặc hợp thành cặp đôi, hình thái khuẩn lạc biến động.
Nhóm này đa số sống hoại sinh, một số loài gây bệnh trên động vật và thực vật. Trên cây trồng gây hiện tượng chết hoại, đốm quả, thân, lá. Gây cháy xém, úng nước, loét và nhiểm mạch dẩn.
Trên cây lúa chi Pseudomonas gây ra các bệnh sau đây:
B-1-Bệnh sọc nâu do vi khuẩn (Bacterial brown stripe)
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas avenae Manns gây ra. Bệnh tấn công trên lá gây ra hiện tượng đốm sọc song song gân lá. Ở ĐBSCL bệnh này thuộc dịch hại thứ yếu.
B-2-Bệnh thối nâu bẹ do vi khuẩn (Sheat brown rot)
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas fuscovagina Tanii, Miya and Akita gây ra. Bệnh xảy ra trên bẹ làm cho mép bẹ mộng nước sau đó bị thối nâu.
B-3-Bệnh thối lép hạt do vi khuẩn (Bacterial grain rot) = Bệnh lép vàng.
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas glumae Kurita and Tabei gây ra.Bệnh tấn công trên cây lúa trên ruộng thừa đạm và ẩm độ không khí cao, thường phát triển mạnh trong vụ Hè thu.
-Triệu chứng ban đầu: khi lúa trổ không thấy triệu chứng khi lúa đã trổ đều, cuối bông thấy xuất hiện một số hạt lép hoặc lững màu vàng, trên bông ban đầu chỉ có một số hạt lép vàng, sau đó lây lan ra nhiều hạt khác trên cả bông, bệnh thường phát triển trên diện tích lớn khi gặp trời mưa dầm.
-Bệnh bắt đầu thể hiện trên bông lúa từ giai đoạn ngậm sửa đến vào chắc. Trên bông lúa có nhửng nhánh gié đứng thẳng trong khi các nhánh gié khác cong xuống. Các nhánh gié mắc bệnh (đứng thẳng) có mang nhiều hạt bị lép, nhưng vỏ trấu vẫn giữ máu sắc bình thường, không bị lem. Khi bông lúa chín, vỏ trấu của các hạt lép nầy vẫn có màu vàng.
Bệnh tấn công sớm làm cho hoa lúa bị hại hạt không thụ phấn và vỏ trấu trở nên vàng sậm. Bệnh muộn khi tách vỏ trấu thấy hạt gạo lững có vết nâu nhũn nước. Khi hạt gạo bị tấn công sớm thì thấy những hạt thối đen xuất hiện cùng với những hạt lép hoặc lững màu vàng.
Theo các nhà khoa học IRRI thì bệnh này hiện nay trở thành nghiêm trọng, có thể làm giảm năng suất lúa đến 50 % (Kaku, Zeigler và Alvarez-1988).



Triệu chứng bệnh lép vàng hạt lúa do vi khuẩn
B-4-Bệnh thối hạt do vi khuẩn (Seeding blight)
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas plantarii Azegami gây ra.Bệnh tấn công trên cây lúa thừa đạm từ giai đoạn còn non và vi khuẩn lưu tồn trong hạt khô và khi ngâm ủ vi khuẩn phát triển gây thối hạt.
B-5-Bệnh đốm lá do vi khuẩn ( Bacterial halo blight)
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas syningae pv. oryzae Kuwata gây ra.
Bệnh gây ra những đốm tròn mộng nước trên lá và sau đó khô đi.
B-6-Bệnh thối bẹ do vi khuẩn (Bacterial sheath rot)
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas syningae pv. Syngae = P. orycola Klemet gây ra.
Bệnh gây mộng nước và thối bẹ lá.

C- Bệnh do vi khuẩn chi Erwinia gây ra

Vi khuẩn Erwinia có thể sống hình gậy (0,5-1,0 X 1,0-3,0 mm), nhuộm Gram (-), hình thành sắc tố, không hình thành bào tử, di động bằng chu mao. Tế bào đơn độc hoặc tạo thành cặp, khuẩn lạc tròn, lồi, nhầy, có từ màu trắng kem đến vàng. Phản ứng oxydase âm, phản ứng catalase dương.
Nhóm phân hủy pectate gây thối nhũn và nhóm không phân hủy pectate không gây thối nhũn. Đa số gây bệnh cây, nhiệt độ thích hợp 27-30 oC.
C-1- Bệnh thối gốc lúa do vi khuẩn (Bacterial foot rot)
Bệnh do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi pv. Zeae (Sabet), Victoria, Arbeleda and Mu4noz gây ra. Bệnh gây thối nhầy gốc lúa . Vi khuẩn này cũng gây trên nhiều cây trồng cạn khác.
C-2-Bệnh thối nâu vỏ trấu (Bacterial palea browning)
Bệnh do vi khuẩn Erwinia  hebicula (Lohnis) Dye gây ra.
Bệnh gây lem lép hạt lúa. Vi khuẩn này gây bệnh nhiều loài cây nhưng thứ yếu.
C-3-Bệnh sọc nâu do vi khuẩn ( Brown stripe)
Bệnh do vi khuẩn Erwinia sp. Of “amylopora group”) gây ra.
Bệnh tấn công trên lá và hạt lúa, thuộc dịch hại thứ yếu.

II-Điều kiện các bệnh do vi khuẩn phát sinh mạnh

-Do giống nhiểm nặng mẩn cảm với bệnh.
-Do sạ dầy, nhiều chồi, tán lá rậm.
-Do bón phân mất cân đối, thừa đạm, thiếu Kali và Silic.
-Do độ ẩm không khí cao, mưa bão.
-Do có nhiều vết thương cơ giới trong quá trình canh tác, thả vịt, rầy nâu, tuyến trùng.
-Do môi trường canh tác không tốt, vi sinh vật đối kháng vi khuẩn kém phát triển.

III- Các biện pháp phòng trị bệnh do vi khuẩn hại lúa

*Phòng

-Chọn giống kháng, loại bỏ giống nhiểm nặng ngoài đồng.
-Nên sạ thưa, tốt nhất nên sạ hàng để cho tán lá lúa thông thoáng.
-Nên khử hạt giống bằng nước ba sôi hai lạnh, a xít ngâm giống hoặc thuốc diệt vi khuẩn.
-Bón phân cân đối, không thừa đạm, tăng cường Kali và Silic.

*Trị

-Có thể dùng các loại thuốc sau đây để phun khi bệnh vi khuẩn phát triển:
1- Som 5 DD ( hoạt chất Acrylic acid 4% +Carvacrol 1%) trị nấm và vi khuẩn do Viện di truyền nông nghiệp đăng ký.
2-Bion 50 WG (hoạt chất Acibenzolar-S-Methyl) thuốc diệt vi khuẩn do Cty Syngenta Vietnam đăng ký.
3-Exin 4.5 HP (hoạt chất Acid salicylic) do Cty Thuốc sát trùng Việt nam đăng ký.
4- Ải Vân 6.4 SL (hoạt chất Copper citrate) do Cty Nông dược Điện Bàn đăng ký.
5- Kocide 53.8 DF, 61.4 DF ( hoạt chất Copper Hydroxide) do Cty DuPont Vietnam Ltd đăng ký.
6-Sasumi 70 WP ( hoạt chất Copper Oxychloride) do Cty Sumimoto Chemical Co Ltd đăng ký.
7-Bactocide 12 WP ( hoạt chất Streptomycin 5.4%+Copper Oxychloride) do Cty Thuốc sát trùng Việt nam đăng ký.
8-Fortamin 2L ( hoạt chất Kasugamycin) do Cty TM Tân Thành đăng ký.
9-Kasuran 50 WP (hoạt chất Kasugamycin 5% +Coper Oxychloride 45%) do Cty Hokko Chem Ind Co Ltd đăng ký.
10- Sasa 20 WP ( hoạt chất Saikuzuo [MBAMT]) do Cty Hoa Việt Trade Corp. Ltd Guangxi, China đăng ký.
11-Xanthomin 20WP ( hoạt chất Saikuzuo [MBAMT]) do Cty Cổ phần Nicotex đăng ký.
12-Cuprimicin 500, 81 WP (hoạt chất Streptomycin 2,194 % +Oxytetracyline 0,253%+ Tribasic Copper Sulfate 78,52%) do Cty Tân Qui Co Ltd TP.HCM đăng ký.
13-PN-balacide 22 WP (hoạt chất Streptomycin sulfate 2 % + Copper Oxychloride 10% + Zinc sulfate 10%) do Cty TNHH Phương Nam đăng ký.
14- Có thể pha nước vôi 10%, lấy nước trong phun lên ruộng lúa 2 lần cách nhau 4-5 ngày.
Liều lượng phun thuốc phòng hoặc trị theo khuyến cáo của các hảng sản xuất.
                                                                                    Kỹ sư Hồ Đình Hải
                                                     Tài liệu tham khảo
1-Nguyễn Lân Dũng và ctv. Vi sinh vật học-NXB Giáo dục-1997.
2-PGS.TS Nguyễn văn Tuất-Kỹ thuật chuẩn đoán và giám định bệnh cây. NXB Nông Nghiệp 2002.
3-GS.TS Võ Tòng Xuân và nhóm biên dịch-Hướng dẫn các biện pháp tổng hợp phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa.
4-TS Hồ văn Chiến-Tài liệu tập huấn Bệnh trên hạt lúa của TT BVTV Phía Nam.
5-IRRI websites.